CÔNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở HỒNG GIANG
Xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn những ngày cuối tháng 5, con đường Quốc lộ 31 đang dần hoàn thiện, khu dân cư mới ngay gần ủy ban xã đang xây dựng, những sọt vải sớm đầu tiên đã bắt đầu lên đường tỏa đi các ngả. Ngay cổng ủy ban là băng zôn đỏ với dòng chữ “Chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”, thật vui mừng khi nhìn thấy những thành tựu của công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao và chuyển đổi số ở đây. Hồng Giang như khoác lên mình tấm áo mới với sức sống mạnh mẽcủa mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa đang đổi thay từng ngày.
Xã Hồng Giang là xã vùng thấp, cách trung tâm huyện Lục Ngạn 5m, diện tích tự nhiên 14,94 ha. Trong đó, đất nông nghiệp 925 ha, năm 2015, Hồng Giang được UBND tỉnh phê duyệt đề án xây dựng xã thành xã nông thôn mới mang đặc trưng vùng trồng cây ăn quả của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Năm 2021, Hồng Giang về đích xã nông thôn mới nâng cao. Cho đến nay, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được UBND huyện chọn làm vùng phát triển cây ăn quả đều được trồng các loại cây ăn quả đa dạng. Với dân số trên 2500 hộ, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 27% dân số, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo là 1,3%; tỷ lệ hộ cận nghèo 0,7%. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ khó khăn, cần sự vào cuộc và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền, MTTQ, các ngành đoàn thể trong xã đã đưa chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ xuyên suốt hàng đầu gắn với công tác chuyên môn và áp dụng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực
Năm 2022, Hồng Giang là một trong hai xã trên địa bàn được UBND tỉnh chọn làm thí điểm mô hình chuyển đổi số. Ngay sau khi nhận được tinh thần chỉ đạo của tỉnh, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số mô hình cấp xã, ban hành Quyết định thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn. Các nhóm trên zalo trở thành những phòng họp nhỏ để cán bộ trong cơ quan chỉ đạo, nắm tình hình triển khai chủ trương, chính sách của cấp trên tới các thôn. Hiện nay, lãnh đạo UBND xã, cán bộ, công chức xã đã sử dụng chữ ký số bằng sim điện thoại thuận lợi cho giải quyết công việc. Văn bản đi do UBND xã ban hành được ký số và chuyển gửi trên hệ thống. Công chức làm việc ở bộ phận một cửa có tài khoản dịch vụ công và thanh toán điện tử.
Cán bộ công chức xã thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, cán bộ công chức thực hiện giải quyết công việc trên các phần mềm như : Phần mềm quản lý tài sản, phần mềm kế toán, phần mềm Misa; phần mềm bảo hiểm xã hội, phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội, phần mềm kê khai thông tin trẻ em, phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch, phần mềm thống kê ngành tư pháp; phần mềm quản lý PT “TDĐKXDĐSVH”…
Công tác giải quyết thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình, hồ sơ thủ tục hành chính được rà soát, cập nhật, bổ sung cấu hình theo đúng quy định.
Được sự quan tâm của cấp trên, từ năm 2022 đến nay, xã được Sở Khoa học và công nghệ đầu tư các trang thiết bị như máy scan, máy đánh giá sự hài lòng của người dân, đèn năng lượng mặt trời…Đồng thời, UBND xã đã đầu tư mua bổ sung, nâng cấp máy tính các thiết bị cần thiết khác. Hệ thống đài truyền thanh hoạt động theo lối truyền thống trước đây đã được thay thế bởi truyền thanh thông minh với nền tảng ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói tiếng Việt tự nhiên.
Những thành tựu trong công tác chuyển đổi số đã góp phần làm cho công tác an ninh trật tự trên địa bàn có nhiều chuyển biến. Xã đã thiết lập được hệ thốngcamera an ninh tại trụ sở làm việc, tại các thôn xóm, các trường học và các điểm có tình hình an ninh phức tạp. Nhờ đó tình hình an ninh ổn định, các vụ trộm cắp giảm đáng kể.
Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hiện nay trạm y tế đã ứng dụng chuyển đổi số trongviệc triển khai khám chữa bệnh từ xa, cập nhật thông tin trên “Sổ sức khỏe điện tử”, đồng thời tiếp nhận kinh phí sử dụng phần mềm tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 2 tuổi trên địa bàn xã. Công tác giáo dục có nhiều chuyển biến từ việc áp dụng dạy và học trực tuyến, phê duyệt giáo án, bài giảng trên môi trường điện tử; ứng dụng thiết bị di động cho giáo viên, hỗ trợ công tác quản lý dạy, học, sử dụng sổ liên lạc diện tử, đánh giá chất lượng quản lý giáo dục.
Đi chợ thời đại số
Những buổi tuyên truyền không quản mưa nắng, đi từng ngõ, gõ từng nhà đã đem lại hiệu quả bước đầu. Xã đã phối hợp với Vietel money và VNPT tổ chức “phiên chợ không đồng”, thanh toán không dùng tiền mặt cho toàn bộ các hộ buôn bán sản xuất, kinh doanh tại chợ bằng mã QR. Sau khi được tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt các ứng dụng, đến nay, người dân từng bước quen và lựa chọn hình thức thanh toán không tiền mặt khi giao dịch.
Việc ra đời sàn giao dịch thương mại điện tử củaxã do Hội liên hiệp phụ nữ xã vận hành tại địa chỉ htpp://phunumart.com do Công ty TNHH cổ phần đầu tư và phát triển NYP phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại và mới nhất đánh dấu bước phát triển rõ nét của kinh tế số tại Hồng Giang. Hiện nay, sàn đã có trên 5000 mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Chỉ bằng một vài nhấp chuột là người dân có thể mua bán các mặt hàng trong phạm vi địa phương. Và tương lai sẽ là giao dịch trên sàn thương mại điện tử trong nước và thế giới. Trên sàn giao dịch này, người dân có thể trao đổi, mua bán, thực hiện các giao dịch, cung ứng các dịch vụ qua mạng internet, góp phần từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, tránh được những rủi ro có thể xảy ra trên các kênh mạng xã hội như zalo, facebook. Ngày 27/5/2023, tại Hội nghị xúc tiến thương mại điện tử,các sản phẩm đã được đưa lên sàn như: đặc sản vải thiều, cam, bưởi và các sản phẩm chủ lực chủ lực của địa phương. Những trái vải đầu tiên lên sàn thương mại đã minh chứng cho sự chuyển mình của kinh tế số của Hồng Giang.
Chuyển đổi số làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn
Hiện nay, Hồng Giang đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đa dạng các trang thông tin, điện tử, lồng ghép thông qua các hội nghị để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, đảng viên để lan tỏa đến toàn thể nhân dân về các mục tiêu, quẩn điểm, nhiệm vụ của mô hình chuyển đổi số. Với sự quyết tâm cao, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác triển khai, đặc biệt là phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong triển thực hiện các nội dung chuyển đổi số, chúng ta tin tưởng rằng mỗi người dân Hồng Giang sẽ chính là người thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này và chính họ sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp về công cuộc chuyển đổi số tới mọi người xung quanh.
Hồng Giang về chiều, những trái vải thiều đã điểm màu vân hồng, hứa hẹn mùa bội thu sắp tới.Trên con đường đi vào khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hả, người dân nơi đây còn đang vẽ tiếp những bức tranh bích họa với nhiều màu sắc khác nhau, những bức tranh đang vẽ, sẽ còn được vẽ tiếp và nối dài. Đó là một trong những con đường tươi đẹp dẫn tới những thôn xóm yên bình, với tương lai mỗi ngày thêm giàu đẹp, rạng ngời, khiến ta thêm yêu mếnmảnh đất con người Hồng Giang./.
Tác giả : Đỗ Thanh Tình ( Hội LHPN xã)